Khu tháp A Mỹ Sơn trong đó có kiến trúc A1 còn có tên gọi là tháp Chùa, được người dân địa phương lấy tên gọi của chính kiến trúc A1 để đặt tên. Khu A và A’ có tổng thể 17 kiến trúc, cũng là khu phế tích kiến trúc lớn nhất hiện tại ở Mỹ Sơn. Trong đó, tháp A1 cao 24m, đây là tháp cao nhất trong tổng thể 72 kiến trúc ở Mỹ Sơn khi người Pháp phát hiện vào năm 1885.
Mỹ Sơn A1. Bản vẽ H. Parmenter.
Tháp được xây dựng vào thế kỷ thứ X, có nhiều kiểu dáng nhất so với các đền tháp được xây dựng trước đó. Kiến trúc có 4 góc, mỗi cạnh có chiều dài 10m, trường dày trên 1m, riêng trụ cửa được gia cố bằng hai thanh đá lớn có trọng lượng trên 7 tấn. Tháp mở 2 cửa, một cửa quay về hướng Đông được xem là hướng của thần, cửa còn lại quay về hướng Tây, hướng về ngôi đền đầu tiên tại Mỹ Sơn ở khu B,C,D. Xung quanh tháp chính có 7 tháp phụ. Cửa đền và tháp phụ là điểm khác biệt so với các công trình kiến trúc khác ở Khu di tích. Trong lòng tháp thờ bộ sinh thực khí Linga – Yoni rất lớn. Hiện còn lại bệ Yoni vuông, có thớt dày, kích thước to lớn, độ dày (30cm x rộng 170cm). Yoni được đặt trên một bệ thờ cao có chân đế rộng, xung quanh điêu khắc hình 12 tu sĩ đứng trong ô khám nhỏ trông rất sinh động.
Giá trị làm nên kiệt tác kiến trúc A1 chính là giá trị nghệ thuật được thể hiện qua kiểu dáng kiến trúc, phong cách nghệ thuật thời hoàng kim Champa. Ngoài chiều cao thân tháp được xem là quy mô, dáng tháp thon thả từ thấp lên cao. Hoa văn được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo. Những nghệ nhân đã tập trung thể hiện rất nhiều những mô típ kiến trúc, trong đó có sự kế thừa của nghệ thuật trước và du nhập nghệ thuật Java bên ngoài. Nổi bật là đặc trưng với kiểu dáng hoa văn hình chữ S thế kỷ X. Những chi tiết như mi đá, gờ cửa, ô trám, lanh tô, chóp tháp… đều được chạm trổ tỉ mỉ, thể hiện rất rõ ý đồ làm nổi bật giá trị nghệ thuật đỉnh cao Champa. Nhà nghiên cứu nghệ thuật người pháp F.Stern đã chia kiến trúc Chăm thành 7 phong cách, trong đó tháp A1 đã định hình phong cách Mỹ Sơn A1.
Năm 1969, tháp A1 cùng quần thể khu tháp A, A’ bị bom B52 tàn phá, phần còn lại của tháp chỉ khoảng 3m cách mặt đất. Hệ thống mi cửa, lanh tô bị ngã đổ nằm chắn lối đi, chóp tháp văng ra ngoài, riêng phần Linga bị vỡ. Hiện chỉ còn bệ thờ Yoni. Công cuộc gia cố, định vị mặt Tây chân tháp A1 vào tháng 3/2014, Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn phối hợp cùng với các chuyên gia thực hiện đã phát lộ rất nhiều hiện vật nằm xung quanh chân tháp, trong đó có 2 bệ đá lớn làm lối đi dẫn vào cửa tháp, cùng một số hiện vật nằm trong lòng đất cho thấy quy mô di tích cùng số lượng lớn nguyên vật liệu được dùng trong xây tháp.
Việc trùng tu khu tháp A, A’ đã được các nhà khoa học Pháp những năm 1900 thực hiện. Kiến trúc sư H. Parmenter cùng nhà khảo cổ học Olrpeaus đã tập trung tư liệu, thực hiện nghiên cứu khảo cổ. Tuy nhiên, kế hoạch dừng lại khi nguồn kinh phí cùng những biến đổi trên chiến trường Việt Nam không cho phép. Đến năm 1938, các nhà khoa học Pháp cùng công nhân người Việt đã chọn A1 thực hiện đợt trùng tu quy mô hơn. Đợt trùng tu này chủ yếu sữa chữa những lớp gạch bị thiên nhiên bào mòn. Nhưng đã góp phần tôn vinh giá trị đỉnh cao của khu tháp A, cho đến khi loạt bom đạn hủy hoại. Những khó khăn trong vật liệu xây dựng đã là trở ngại lớn cho việc trùng tu tôn tạo di tích Chăm về sau có tính chuyên sâu. Khu tháp A đã từng có thời điểm được lập dự án với tên gọi “Nghiên cứu bảo tồn nhóm tháp A, H – Khu di tích Mỹ Sơn” vào tháng 9/2002, khi đó ngài Surabh Kumar – Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam đến thăm và làm việc tại Quảng Nam. Từ năm 2003, khi thực hiện dự án trùng tu Mỹ Sơn, chương trình hợp tác trùng tu ba bên Việt Nam – UNESCO – Italia đã lựa chọn khu tháp G để trùng tu. Khu tháp A vì vậy một lần nữa lỡ hẹn. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được trong dự án tháp G đã mở ra rất nhiều hướng cho việc kế thừa sau này. Trong đó, có những nghiên cứu về kỹ thuật cùng vật liệu xây dựng.
Về dự án triển khai trùng tu tháp Chăm Mỹ Sơn, ông Rakesh Tiwari – Viện trưởng Viện nghiên cứu Khảo cổ học Ấn Độ trong đợt khảo sát vừa qua tại Mỹ Sơn đã nói “việc phục dựng, trùng tu Mỹ Sơn sẽ dựa vào kết quả nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về vật liệu”. Đối với việc lựa chọn phương pháp, ông Rakesh Tiwari thận trọng khi cho rằng sẽ có sự kế thừa kinh nghiệm: “Cùng với những kinh nghiệm đi trước, Ấn Độ sẽ thực hiện những giải pháp riêng dựa trên cơ sở kinh nghiệm đã có trong việc trùng tu các tháp gạch ở Ấn Độ và nhiều nước khác”.
Ấn Độ mặc dù là nước sở hữu nhiều di sản văn hóa tôn giáo Hindu có nét tương đồng với Mỹ Sơn nhưng với di tích Chăm thì đây là lần đầu tiên Ấn Độ thực hiện công tác trùng tu. Bởi tính chất quan trọng của tháp A trong đó có kiến trúc A1 nên các chuyên gia Ấn Độ chỉ đưa ra những dự kiến ban đầu khi lựa chọn các nhóm tháp để trùng tu. Còn về nhóm tháp A thì cho rằng nếu chọn trùng tu thì đây là nhóm tháp rất quan trọng và mang tính biểu tượng đặc biệt và “việc trùng tu tháp A1 sẽ vừa là vinh dự nhưng cũng là thử thách đầu tiên trong sự hợp tác bảo tồn các đền tháp tại Mỹ Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung sau này”. Do vậy, trước mắt các chuyên gia sẽ thực hiện công tác nghiên cứu, đo đạt, trước khi quyết định việc trùng tru tháp A hay không?